Thánh Địa La Vang
Cùng với Mẹ Lộ Đức, Mẹ Fatima…Mẹ La Vang là một danh xưng đã quá đỗi quen thuộc với mỗi người công giáo chúng ta. La Vang ngày nay là một Thánh địa và là nơi hành hương quang trọng, lớn nhất của Giáo Hội Công giáo Việt Nam; nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế.
Năm 1798, dưới triều đại vua Cảnh Thịnh, nhiều chiếu chỉ cấm đạo đã được ban hành. Một số giáo dân ở gần đồi Dinh Cát đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Một hôm, đang khi cùng nhau cầu nguyện, Mẹ đã hiện ra hiện ra để an ủi, chở che họ trong cơn nguy khó, lầm than. Mẹ bảo họ hái lá cây xung quanh, đem nấu với nước uống sẽ lành bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”. Sau đó Mẹ còn hiện ra với họ nhiều lần nữa.
Trong thời kì 1800 – 1886, dưới triều đại Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nhiều chỉ dụ bắt đạo lần lượt ra đời, đặc biệt thảm khốc và đẫm máu hơn cả là cơn Phân Sáp và Văn Thân. Từ trong ngôi nhà thờ mái tranh vách đất, dưới bóng cây đa cổ thụ La Vang, hẳn Đức Mẹ đã chứng kiến từng đoàn con thất thểu trên những nẻo đường và cả những cái chết oai hùng tử vì đạo. Theo bản thống kê của Đức Cha Lộc thì 6 Linh mục, 1 chủng sinh (Tôma Thiện), trên 60 nữ tu Mến Thánh Giá và khoảng 7.041 giáo dân thuộc 45 họ đạo đã bị sát hại.
Năm 1886, Đức Cha Gaspar Lộc đã cho xây một nhà thờ bằng gạch và khánh thành ngày 06 tháng 08 năm 1901, ấn định ba năm một lần tổ chức Đại Hội Tam nhật để kính Đức Mẹ tại linh địa La Vang.
Năm 1923, Đức Cha Allys Lý quyết định xây một ngôi nhà thờ rộng lớn hơn và được khánh thành vào tháng 8 năm 1928. Ngôi nhà thờ này đã bị tàn phá, chỉ còn lại phần cuối đổ nát với tháp chuông như chúng ta thấy ngày nay.
Trong hai năm 1961 – 1962, Đức Tổng Giáo mục Ngô Đình Thục đã cho xây dựng công trường Mân Côi bằng đá cẩm thạch, hồ Tịnh Tâm và đài Đức Mẹ La Vang với ba cây đa bằng xi măng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Điều lạ lùng là ba Cây Đa tại linh đài Mẹ La Vang vẫn đứng yên suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, trong khi từng mét vuông đất đều bị cày xới.
Từ 1995 đến nay, nhiều công trình như: Tháp chuông, nhà nguyện Đức Mẹ, nhà nguyện Thánh Thể, quãng trường Mân Côi, nhà Hành Hương, Lễ đài, Linh đài, bức phù điêu các Thánh tử đạo Việt Nam, ba Cây Đa…đã được trùng tu hay xây mới.
Trong dịp Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 và Đại Hội Hành Hương lần thứ 29, pho tượng Đức Mẹ La Vang bằng chất liệu đá quý màu đã được vị Đặc Sứ Tòa Thánh – Đức Hồng Y Ivan Dias làm phép.
Ngày 15 tháng 8 năm 2012, đã diễn ra lễ đặt viên đã đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang – Trung Tâm Hành Hương Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Hàng năm, cứ vào dịp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời (15-8), đông đảo giáo dân từ mọi miền đất nước và hải ngoại hành hương về bên Mẹ. Chương trình hành hương thường tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15.8; và cứ 3 năm thì tổ chức Đại hội một lần. Đồng thời, ngày ngày Trung Tâm hành hương Đức Mẹ La Vang vẫn đón rất nhiều khách hành hương về viếng Mẹ và xin ơn.